Hỏi: Chụp CT và MRI có gì khác nhau?
Đáp:
Chào bạn,
Chụp cắt lớp vi tính (CT) và chụp cộng hưởng từ (MRI) là hai kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại cho phép phát hiện nhiều bệnh lý, tổn thương phức tạp trong cơ thể. Để so sánh hai phương pháp này, có thể dựa trên các tiêu chí như sau:
1. Nguyên lý hoạt động:
– Chụp CT là kỹ thuật phóng chùm tia X liên tục qua cơ thể, máy vi tính sẽ xử lý hình ảnh thu được, tái tạo lại cấu trúc bên trong. Mức độ đậm nhạt tùy theo độ cản của tia X sẽ cho biết các tổn thương trong cơ thể. Thế hệ máy chụp có số lát cắt càng cao (2 dãy, 32 dãy, 64 dãy, 128 dãy,…) thì hình ảnh sẽ càng sắc nét.
– Chụp MRI sử dụng từ trường và sóng radio tác động khiến các nguyên tử Hydrogen trong cơ thể biến đổi và phát ra tín hiệu (sóng vô tuyến). Máy chụp sẽ tiếp thu tín hiệu này và xử lý để cho ra hình ảnh. Đặc biệt, máy cộng hưởng từ sẽ sử dụng nhiều chuỗi xung trong quá trình chụp để thu được nhiều hình ảnh ở các góc độ khác nhau để thể hiện tổn thương, nhất là những tổn thương mô mềm.
2. Thời gian chụp:
– Chụp CT nhanh hơn MRI, thường được sử dụng trong trường hợp cấp cứu, chấn thương sọ não, ổ bụng.
– Chụp MRI có thời gian lâu hơn nhưng cho hình ảnh đặc biệt rõ nét nhờ độ phân giải cao hơn, mô tả giải phẫu chi tiết và cụ thể hơn; được ứng dụng trong giải phẫu và phát hiện những bất thường trong não.
3. Chỉ định:
– Chụp CT được chỉ định với các trường hợp bị va đập, chấn thương; đánh giá hộp sọ, vật kim loại, vôi hóa,…
– Chụp MRI được chỉ định khi người bệnh có những biểu hiện như đau đầu; co giật, động kinh; phát hiện có khối u, bất thường, dị dạng trong mạch máu não;…
4. Ảnh hưởng của kim loại đến kết quả chụp:
– Chụp CT ít bị ảnh hưởng bởi kim loại trong cơ thể người bệnh.
– Chụp MRI có thể bị nhiễu từ khiến hình ảnh không rõ nét nếu trong cơ thể người bệnh có kim loại. Mặt khác, máy cộng hưởng từ cũng làm ảnh hưởng đến hoạt động các thiết bị kim loại này.
5. Đánh giá phần bị xương che khuất:
– Chụp CT không đánh giá được phần bị xương che khuất.
– Chụp MRI cho phép đánh giá các phần bị che bởi xương trong hình ảnh CT.
6. Nguy cơ phơi nhiễm bức xạ:
– Chụp CT sử dụng tia X nên có khả năng gây nhiễm xạ. Tuy nhiên nguy cơ này là rất thấp vì tia X trong chụp cắt lớp được dùng với lượng phù hợp, đảm bảo an toàn.
– Chụp MRI sử dụng sóng radio và từ trường, không sử dụng bức xạ ion hóa nên hoàn toàn không gây nhiễm xạ. Vì vậy, chụp cộng hưởng từ thích hợp cho trẻ em và người bệnh phải chụp chiếu nhiều lần.
7. Thuốc cản quang:
– Chụp CT dùng thuốc cản quang là hợp chất với iod, có thể gây ra phản ứng dị ứng; không được chỉ định cho người bệnh suy thận.
– MRI sử dụng thuốc cản quang an toàn hơn, hiếm xảy ra phản ứng dị ứng, có thể chỉ định cho người bệnh suy thận (trừ trường hợp nặng ở giai đoạn IV, V).
8. Chi phí: Chụp CT có giá thành thấp hơn so với MRI.
Để đánh giá chụp CT hay MRI tốt hơn còn tùy thuộc vào các tiêu chí cụ thể, mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Căn cứ vào mục đích kiểm tra và tình trạng bệnh lý, bác sĩ sẽ cân nhắc phương pháp phù hợp nhất.