Nghiên cứu đánh giá ít nhất 348 ca viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em đã được ghi nhận tại một số nước bao gồm Anh, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Israel và Nhật Bản.
Hầu hết trẻ xuất hiện các triệu chứng đường tiêu hóa ở giai đoạn đầu, sau đó đến vàng da và một vài trường hợp là suy gan cấp tính. Tuy nhiên, không phát hiện nhiễm virus viêm gan A, B, C, D, E trong những trường hợp trên.
Trong nghiên cứu đăng ngày 13-5, các nhà khoa học cho rằng những ca viêm gan cấp tính ở trẻ em này có thể là hậu quả của việc nhiễm COVID-19 làm xuất hiện ổ chứa virus trong đường ruột và nhiễm virus adeno.
"Sự tồn tại của virus SARS-CoV-2 trong đường tiêu hóa có thể dẫn đến việc giải phóng liên tiếp các protein của virus qua biểu mô ruột, làm tăng kích hoạt miễn dịch", báo cáo viết. Cụ thể ổ chứa virus có thể dẫn tới kích hoạt tế bào miễn dịch trung gian siêu kháng nguyên lặp lại, chẳng hạn như hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C).
Nếu xuất hiện ổ chứa virus và sau đó trẻ lại bị nhiễm virus adeno, tác động qua trung gian của siêu kháng nguyên này có thể nghiêm trọng hơn và có thể dẫn tới những bất thường ở miễn dịch như ở các ca viêm gan cấp tính gần đây.
Báo Global Times dẫn lời bà Isabella Eckerle (đồng lãnh đạo Trung tâm các bệnh truyền nhiễm mới nổi tại Bệnh viện Đại học Geneva, Thụy Sĩ), cũng cho rằng khả năng viêm gan cấp tính ở trẻ em sau nhiễm COVID-19 thuyết phục hơn giả thuyết do mầm bệnh virus adeno mà Cơ quan An ninh y tế Anh đưa ra trước đó.
Một phần là do không hề phát hiện ra virus adeno khi sinh thiết gan những trẻ mắc viêm gan cấp tính ở thời điểm hiện tại.
Hội chứng viêm đa hệ thống có liên quan tới nhiễm COVID-19 đã gây quan ngại rộng rãi kể từ tháng 4-2020, bởi nó gây viêm đa tạng bao gồm tim, phổi, não, da, mắt, dạ dày, gan, thậm chí có thể dẫn tới suy đa tạng và gây ra tử vong ở trẻ.
Các nhà nghiên cứu khuyến cáo kiểm tra phân của những trẻ mắc viêm gan cấp tính trong thời điểm hiện tại. Ở trẻ mắc viêm gan cấp tính nặng, nếu tìm thấy bằng chứng kích hoạt hệ miễn dịch qua trung gian siêu kháng nguyên virus SARS-CoV-2, nên cân nhắc phác đồ điều trị điều hòa miễn dịch.