Sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron đang khiến các nhà khoa học lo ngại về nguy cơ tái nhiễm nhiều lần ở những bệnh nhân từng mắc Covid-19.
Khả năng “né” cơ chế miễn dịch của biến thể Omicron chính là một trong những lý do khiến nhiều người mới khỏi bệnh có thể bị tái nhiễm ngay sau đó. Chu kỳ tái nhiễm này có thể lặp lại từ 2-3 lần/năm. Nhiều chuyên gia lo ngại đây có thể là viễn cảnh tương lai của đại dịch Covid-19.
Omicron khiến người mới khỏi Covid-19 vẫn có thể bị tái nhiễm nhiều lần. Ảnh minh họa: Rappler
Các báo cáo hiện nay cho thấy những trường hợp từng nhiễm biến thể Omicron đang đối mặt với tình trạng bị tái nhiễm với các dòng phụ của biến chủng này như BA.2, BA2.12.1, BA.4 và BA.5.
Các nhà nghiên cứu cho biết, những trường hợp trên còn có thể tiếp tục bị tái nhiễm lần 3 hoặc lần 4 trong năm nay. Và một tỷ lệ nhỏ trong số đó có khả năng gặp phải các triệu chứng hậu Covid-19 trong nhiều tháng hoặc nhiều năm, một tình trạng được gọi là “Covid kéo dài”.
Juliet Pulliam, nhà dịch tễ học tại Đại học Stellenbosch (Nam Phi), cho biết: “Có vẻ như đó sẽ là một chu kỳ lặp lại lâu dài. Virus sẽ tiếp tục phát triển và có khả năng rất nhiều người sẽ bị tái nhiễm.”
Hiện rất khó để định lượng tần suất bị tái nhiễm, do nhiều trường hợp mắc Covid-19 không được báo cáo. Nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Pulliam đã thu thập đủ dữ liệu ở Nam Phi để chứng minh tỷ lệ nhiễm biến thể Omicron tại đây cao hơn so với các biến thể trước đó.
Đây không phải là điều mà nhiều chuyên gia mong đợi. Trước đó trong đại dịch, các chuyên gia cho rằng “rào chắn” được tạo ra từ việc tiêm vaccine hay các kháng thể sản sinh sau khi nhiễm bệnh sẽ ngăn chặn hầu hết các trường hợp tái nhiễm.
Tuy nhiên, biến thể Omicron đã dập tắt những hy vọng đó. Không giống với các biến thể SARS-CoV-2 khác, biến thể Omicron và các dòng phụ của nó dường như đã tiến hóa để né tránh các cơ chế miễn dịch. Điều đó khiến tất cả mọi người - ngay cả những người đã được tiêm các mũi vaccine – đều có thể bị tái nhiễm nhiều lần.
Các biến thể mới không làm thay đổi hiệu quả cơ bản của vaccine ngừa Covid-19. Hầu hết những người đã tiêm 2-3 mũi vaccine sẽ tránh được các nguy cơ mắc bệnh nặng nếu bị lây nhiễm. Còn nếu tiêm thêm mũi thứ 4 có thể sẽ làm giảm nguy cơ tái nhiễm, song không nhiều.
Ngay từ đầu đại dịch, nhiều chuyên gia dự đoán rằng, giống như bệnh cúm, Covid-19 có thể gây ra một đợt bùng phát lớn mỗi năm, nhiều khả năng vào mùa thu. Cách để giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh là tiêm phòng đầy đủ cho mọi người trước khi đợt dịch bùng phát.
Song trái với dự đoán này, Covid-19 đang có biểu hiện lưu hành và gây bệnh quanh năm, điều đó đồng nghĩa với việc một người vừa mới khỏi bệnh hoàn toàn có thể bị tái nhiễm nhiều lần trong vòng một năm, và gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
Alex Sigal, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Sức khỏe Châu Phi đánh giá: “Điều này thực sự khiến tôi hơi bất ngờ. Tôi vốn cho rằng chúng ta sẽ cần một loại biến thể hoàn toàn mới để thoát khỏi biến thể này. Nhưng trên thực tế, có vẻ như không phải vậy”.
Việc nhiễm biến thể Omicron sẽ tạo ra phản ứng miễn dịch yếu hơn so các biến thể trước đó. Mặc dù giữa các biến thế này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, nhưng chúng không giống nhau về cơ chế phản ứng với miễn dịch. Do đó, ngay cả với những người đã nhiễm một chủng của SAR-CoV-2 thì các kháng thể sản sinh sau nhiễm cũng chưa chắc có thể bảo vệ họ khỏi các biến chủng khác.
Tuy vậy, vẫn có một tin vui là hầu hết những người bị tái nhiễm với dòng phụ của biến thể Omicron đều sẽ không bị bệnh nặng. Ít nhất tại thời điểm này, virus vẫn chưa có cách nào để “đánh bại” hoàn toàn hệ miễn dịch của con người.
Mỗi một lần tái nhiễm có khả năng sẽ khiến người bệnh gặp tình trạng “Covid kéo dài”, nên vẫn còn quá sớm để đánh giá về mức độ nguy hiểm của biến thể Omicron đối với người bệnh, nhất là ở những người đã được tiêm phòng.
Các chuyên gia cho rằng, để bắt kịp với sự tiến hóa của virus, vaccine Covid-19 nên được cải tiến nhanh hơn để mở rộng khả năng miễn dịch và bảo vệ cho con người./.