Bệnh nha chu là một bệnh rất phổ biến của vùng răng miệng, hay gặp ở lứa tuổi trung niên, người già và là một trong những nguyên nhân thường gặp của tình trạng mất răng ở người lớn. Bệnh diễn tiến thầm lặng nên rất dễ bị bỏ qua, thường được phát hiện rất trễ khi bệnh đã nặng.
Nguyên nhân gây bệnh:
Bệnh nha chu (viêm nướu răng) gây ra bởi nguyên nhân chính là các mảng bám răng. Mảng bám răng là những màng sinh học cứng chắc có chứa các vi khuẩn có hại, hình thành trong miệng của bất cứ cá nhân nào. Vi khuẩn có hại phá hủy răng và nướu. Nếu các mảng bám không được loại bỏ, có thể dẫn đến nướu tụt ra khỏi răng, hình thành nên những túi nha chu có mủ. Những túi nha chu này cùng với vôi răng cứng chắc khiến việc loại bỏ mảng bám gặp nhiều khó khăn nếu không có sự hỗ trợ từ bác sĩ nha khoa, và bệnh nha chu sẽ tiến triển nghiêm trọng hơn. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nha chu sẽ phá hủy toàn bộ tổ chức nâng đỡ cho răng, thậm chí là ảnh hướng đến tận xương ổ răng.
Dấu hiệu nhận biết bệnh nha chu:
- Nướu (lợi) tấy đỏ, sưng và dễ bị chảy máu (khi đánh răng hoặc làm sạch kẽ răng)
- Nướu tụt ra khỏi răng
- Hơi thở có mùi hôi
- Túi mủ hình thành giữa răng và nướu
- Răng bị lung lay hoặc cách xa các răng còn lại
- Sự thay đổi về sự khít sát nhau của các răng khi cắn
- Trường hợp dùng hàm giả bán phần sẽ cảm thấy sự thay đổi về sự vừa khít của hàm giả so với hàm thật
Bệnh nha chu có thể tiến triển từ nhẹ sang nghiêm trọng. Giai đoạn khởi phát của bệnh nha chu là viêm nướu.
Diễn biến của bệnh nha chu theo từng giai đoạn
Bệnh nha chu phát triển từ viêm nướu thành viêm nha chu qua 4 giai đoạn sau, nếu phát hiện và điều trị sớm thì việc chữa trị sẽ diễn ra đơn giản và nhanh chóng hơn, hạn chế những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
– Giai đoạn 1: Hình thành các mảng bám: Vi khuẩn có hại tích tụ ở chân răng, viền lợi và kẽ răng, bắt đầu hình thành các mảng bám gọi là vôi răng. Trong giai đoạn này người bệnh thường không cảm thấy được dấu hiệu bất thường trong miệng.
– Giai đoạn 2: Bắt đầu viêm nhiễm:Theo thời gian, vôi răng gây kích thích nướu, khiến nướu sưng phồng, nhạy cảm. Vì thế chân răng dễ bị chảy máu khi có tác động khi ăn, xỉa răng hay khi đảnh răng.
Lưu ý:Thông thường ở giai đoạn đầu bệnh tái phát theo thời gian, triệu chứng khi nặng, khi nhẹ gây phiền toái cho bệnh nhân trong thời gian ngắn nên nhiều người thường bỏ qua. Việc chữa trị ở giai đoạn này rất đơn giản, mang lại kết quả khả quan, nướu sẽ khỏe mạnh và bình thường sau khi điều trị nha chu.
– Giai đoạn 3: Hình thành túi nha chu:Giữa răng và nướu sẽ hình thành túi nha chu (túi mủ) chứa vi khuẩn và chất mủ
– Giai đoạn 4: Răng và ổ xương răng bị phá hủy: Trong môi trường bị viêm nhiễm, các vi khuẩn tiếp tục sinh sôi và phát triển dẫn đến tình trạng phá hủy khung xương ổ răng khiến răng bị lung lay, lợi bị tụt xuống, dễ bị tổn thương, có thể dẫn đến tình trạng mất răng hàng loạt vô cùng nguy hiểm.
Giai đoạn này việc điều trị trở nên phức tạp và tốn kém do khả năng phục hồi của mô nha chu và xương nâng đỡ xung quanh răng kém mà kết quả mang lại không được hoàn hảo như ban đầu.
Lời khuyên bác sĩ
Là bệnh lý thường gặp, diễn biến khó lường, nếu điều trị không đúng cách dẫn đến tốn kém và những hệ lụy đáng tiếc có thể xảy ra cho bệnh nhân. Vì vậy, việc khám răng định kỳ để phát hiệm sớm những vấn đề về răng miệng là vô cùng quan trọng. BS Thành khuyến cáo.
Để phòng bệnh viêm nha chu, cần vệ sinh răng miệng với bàn chải và kem đánh răng đều đặn, kỹ lưỡng, thường xuyên hàng ngày sau mỗi bữa ăn, vào buổi tối trước khi đi ngủ. Giữ gìn lợi răng và răng được sạch sẽ để không có các mảng bám tích tụ trên răng, lợi răng; có thể xoa nắn lợi răng để giúp phòng tránh tình trạng bị viêm nhiễm. Nên ăn nhiều trái cây tươi, rau xanh.
Trong khi vệ sinh răng miệng, cần dùng thêm chỉ tơ nha khoa để làm sạch kẽ răng, súc miệng hàng ngày với nước ấm pha muối loãng hay các loại nước súc miệng sát khuẩn giúp cho răng miệng được sạch sẽ, có mùi thơm.Nha chu là tổ chức xung quanh răng, có chức năng chống đỡ và giữ răng trong xương hàm. Răng khỏe mạnh được giữ trong xương hàm bởi xương ổ răng, dây chằng và nướu răng. Nướu ôm sát răng có chức năng bảo vệ các mô dễ nhạy cảm bên dưới và ngăn ngừa sự xâm nhập của các vi khuẩn gây hại cho răng.