Triệu chứng
Triệu chứng chủ yếu là vùng bụng trên (thượng vị) khó chịu hoặc đau nôn, ợ, nôn ra máu, phân đen, sờ thấy có khối u. Triệu chứng ban đầu thường không rõ rệt, dễ lẫn với viêm dạ dày, loét dạ dày tá tràng, rối loạn tiêu hóa. Bệnh thường gặp nhiều ở lứa tuổi từ 40 - 60.
Nhìn bên ngoài, những bệnh nhân mắc ung thư dạ dày thường gầy nhanh, người nóng, da khô, sờ vùng thượng vị thấy có khối u nổi cục, chuyển động theo nhịp thở.
Bên cạnh những nhận biết trên, khi đến bệnh viện, các bác sĩ sẽ dễ dàng phát hiện bệnh nhờ các phương pháp như chụp X-quang dạ dày, soi dạ dày và làm sinh thiết...
Phương pháp chữa trị
Hiện nay, nếu phát hiện ung thư dạ dày sớm, giải phẫu vẫn là biện pháp tốt nhất được chọn lựa với kết quả trên 90% số người sống trên 5 năm và 64% trường hợp sống được đến 10 năm. Tuy nhiên, nếu phát hiện bệnh đã ở giai đoạn tiến triển hoặc muộn, chỉ có 5 - 10% bệnh nhân sống được đến 5 năm.
Phương pháp phẫu thuật được coi là tối ưu so với hóa trị và xạ trị. Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật cắt bỏ phần dạ dày, chất dinh dưỡng được truyền qua tĩnh mạch, nhiều ngày sau thì được ăn thức ăn loãng và đặc dần phụ thuộc vào thời gian phục hồi. Bệnh nhân cần ăn nhiều bữa trong ngày, tránh thức ăn ngọt, ăn nhiều chất đạm. Đặc biệt, bệnh nhân phải tránh vừa ăn vừa uống để không đưa quá nhiều chất lỏng vào ruột non, gây đau bụng quặn thắt.
Từ trước đến nay, các nhà nghiên cứu thường cho rằng, vi khuẩn Helicobacter pylori, một loại xoắn khuẩn có khả năng sống trong dạ dày chính là nguyên nhân gây ung thư dạ dày. Tuy nhiên, TS Lê Trần Ngoan, ĐH Y Hà Nội đã đưa ra một cảnh báo về sự tác động từ môi trường và thói quen ăn uống mới thực sự là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này.
Thức ăn có nguy cơ gây ung thư dạ dày
>> Đùi gà rán, một món ăn đang được nhiều người ưa chuộng và hay cho con đi “thưởng thức” vào mỗi dịp cuối tuần, thậm chí còn là “phần thưởng” khi con ngoan hay đạt điểm tốt. Nhưng ít có bậc cha mẹ nào biết rằng, nó là một trong các món ăn được các bác sĩ cảnh báo vì có hàm lượng độc chất gây ung thư dạ dày cao. Để có một thành phẩm là món đùi gà thơm giòn, vàng ươm, béo ngậy, người làm bếp đã phải nướng nó ở nhiệt độ 170oC.
>> Đậu phụ mắm tôm, đặc sản của dân tộc và trở thành món khoái khẩu của chị em trong mỗi trưa tan sở hoặc những người đàn ông tụm năm tụm ba chè chén nhấm nháp ly rượu đế. Để có được món đậu phụ giòn tan, người ta phải rán ở nhiệt độ... 245oC.
>>Thịt gà rang được các nhà nghiên cứu Nhật Bản đo được ở nhiệt độ 205oC. Bánh mì được nướng chín tại nhiệt độ 165oC, món lợn rán cũng phải đạt 200oC trước khi được đưa lên bàn ăn.
Khi được chế biến đạt đến nhiệt độ trên thì các thức ăn trên đều chuyển hóa thành acrylamid - một chất gây ung thư.
>> Muối - đồng phạm gây ung thư dạ dày: Một nghiên cứu trên 5 đàn chuột phơi nhiễm tác nhân ung thư, một nửa cho uống nước muối, một nửa cho uống nước, kết quả cho thấy số chuột được uống nước muối có tỉ lệ trung bình gần 32% mắc ung thư dạ dày. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra khuyến cáo, muối là tác nhân thúc đẩy, kích hoạt các tác nhân gây ung thư. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, nhu cầu bổ sung muối hàng ngày trung bình khoảng 6g/người/ngày.
Tuy nhiên, ở những người lao động trong môi trường nóng, tăng bài tiết muối trong mồ hôi, trung bình họ đưa lượng muối vào cơ thể thông qua ăn uống là từ 13 - 38g/ngày. Những người này có nguy cơ mắc ung thư dạ dày rất cao. Do đó, những người ăn nhiều muối như thói quen ăn rau củ quả muối, thức ăn có nhiều nitrat nên chỉnh sửa và dần từ bỏ thói quen có hại của mình.
Thói quen cần thay đổi
>> Khi phi hành tỏi, nên giữ nguyên màu trắng mà hành, tỏi vẫn thơm, không nên đợi đến khi chín vàng và xuất hiện khói.
>> Không sử dụng món nướng: Chị em nên bỏ thói quen mua cho con một que thịt nướng ngoài cổng trường mỗi buổi tan học và mua cho chồng món thịt chó nướng ngoài đường vì chất dinh dưỡng trong thịt đã được thay thế bằng độc chất.
>> Thay vì rán đậu vàng ươm, nên rán thật non, hoặc tốt nhất là ăn đậu phụ sống chần qua nước sôi.
>> Không sử dụng các loại nước hoa quả ép được bày bán nơi công cộng vì các sản phẩm này thường có chất bảo quản.
>> Không ăn nhiều rau củ quả muối
>> Hạn chế các thức ăn từ thịt được chế biến sẵn như thịt hun khói, jambon, xúc xích.
>> Từ trước đến nay, nhiều người hiểu khái niệm rất đơn giản là uống rượu nhiều gây ung thư. Thực chất, rượu là dung môi hòa tan các chất gây ung thư, hay nói cách khác, rượu là chất dẫn các chất hóa học gây ung thư vào cơ thể. Uống rượu và ăn các thức ăn có nguy cơ gây ung thư như thực phẩm rán, xào ở nhiệt độ cao là con đường ngắn nhất đưa độc chất vào cơ thể.
Lời khuyên: Cách phòng bệnh tốt nhất là không làm đổi màu thức ăn ở nhiệt độ cao. Bên cạnh đó, nên sử dụng thường xuyên các sản phẩm thực phẩm từ rau tươi và rau có màu vàng. Theo nghiên cứu, những loại thực phẩm này làm giảm đến 60% ung thư dạ dày. Trái cây, đậu phụ, khoai sống (chưa mọc mầm) làm giảm 40-50% ung thư dạ dày.